Triển khai cao điểm phòng, chống sốt xuất huyết, tay chân miệng và COVID-19
Thời tiết nắng nóng kéo dài, mưa gián đoạn là điều kiện thuận lợi để muỗi vằn – trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết (SXH) sinh sôi mạnh. Cùng lúc, các bệnh tay chân miệng (TCM) và COVID-19 tiếp tục có dấu hiệu gia tăng cục bộ tại nhiều địa phương. Trước tình hình đó, ngày 15/7/2025, Sở Y tế An Giang ban hành Kế hoạch số 04/KH-SYT, phát động chiến dịch cao điểm phòng, chống ba loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong thời gian từ tháng 6 đến hết tháng 7/2025.
Theo đánh giá của ngành Y tế, hiện các chỉ số véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết tại An Giang đang ở mức cảnh báo, nguy cơ bùng phát dịch rất cao nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Do đó, chiến dịch lần này không chỉ tập trung vào xử lý ổ dịch mà còn đặt mục tiêu giảm thiểu số ca mắc mới và hạn chế tối đa các trường hợp tử vong.
Kế hoạch số 04/KH-SYT nhấn mạnh ba nhóm giải pháp chính: truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng, tăng cường giám sát dịch tễ tại cộng đồng và tổ chức tốt công tác thu dung, điều trị tại các cơ sở y tế. Việc huy động sự tham gia của chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể và toàn thể người dân là yêu cầu bắt buộc để chiến dịch đạt hiệu quả thực chất.
Một trong những nội dung trọng tâm được Sở Y tế An Giang nhấn mạnh trong Kế hoạch là công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cộng đồng. Đợt truyền thông cao điểm sẽ được đẩy mạnh trên nhiều kênh như loa truyền thanh xã/phường, mạng xã hội, hệ thống báo chí, băng rôn, tờ rơi, truyền thông trực tiếp tại trường học và cộng đồng dân cư.
Nội dung tuyên truyền xoay quanh ba nhóm bệnh:
- Sốt xuất huyết: Vận động người dân thực hiện diệt lăng quăng/bọ gậy hàng tuần, đậy kín các vật dụng chứa nước, vệ sinh môi trường sống.
- Tay chân miệng: Khuyến khích thực hiện “3 sạch” (ăn uống sạch, ở sạch, bàn tay sạch), đồng thời vệ sinh trường lớp, đồ dùng học tập, đồ chơi trẻ em.
- COVID-19: tiếp tục nhắc nhở người dân đeo khẩu trang nơi công cộng, rửa tay thường xuyên, hạn chế tiếp xúc khi có dấu hiệu ho, sốt, khó thở.
Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tăng cường giám sát dịch tễ tại các “điểm nóng”, phối hợp chặt chẽ với các Trung tâm Y tế khu vực để phát hiện sớm ca bệnh, xử lý ổ dịch kịp thời. Đặc biệt, ngành Giáo dục được đề nghị cùng phối hợp triển khai các biện pháp vệ sinh, khử khuẩn tại hệ thống trường mầm non, nhà trẻ – nơi có nguy cơ lây lan dịch tay chân miệng cao.
Song song đó, các cơ sở khám chữa bệnh công lập và tư nhân được yêu cầu sẵn sàng phương án thu dung, điều trị, phân luồng, cách ly bệnh nhân theo đúng quy định. Đội ngũ y bác sĩ cũng được tập huấn, cập nhật phác đồ điều trị mới nhất để xử lý hiệu quả các ca bệnh, đặc biệt là những trường hợp thuộc nhóm nguy cơ cao như trẻ em, người già, phụ nữ mang thai và người có bệnh nền.
Ngoài ra, các cơ sở y tế phải rà soát, bổ sung đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế phục vụ công tác điều trị và phòng dịch. Việc kiểm soát nhiễm khuẩn và ngăn ngừa lây nhiễm chéo trong bệnh viện được xem là một tiêu chí bắt buộc.
Để chiến dịch đi vào thực chất, các Trung tâm Y tế khu vực trực thuộc được giao nhiệm vụ tham mưu UBND cấp xã huy động toàn lực hệ thống chính trị – xã hội tại địa phương. Các Trạm Y tế phải phát hiện sớm và xử lý triệt để ổ dịch tại cộng đồng, đồng thời thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo dịch bệnh theo quy định tại Thông tư 54/2015/TT-BYT.
Sở Y tế cũng đề nghị UBND các xã, phường chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng đến từng hộ gia đình, xây dựng nếp sống chủ động phòng dịch ngay từ nhà, từ xóm.
Toàn bộ hoạt động trong đợt cao điểm sẽ được tổng hợp và báo cáo về Sở Y tế trước ngày 10/8/2025 để kịp thời đánh giá hiệu quả, rút kinh nghiệm và triển khai các bước tiếp theo trong công tác phòng, chống dịch bệnh lâu dài./.
Ngân Hương
Lượt bình luận
Trường đánh đấu (*) là bắt buộc.