Những điểm mới nổi bật của Luật Phòng, chống mua bán người năm 2024
Ngày 28/11/2024, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Phòng, chống mua bán người (số 53/2024/QH15) – văn bản pháp luật này được kỳ vọng tạo bước ngoặt lớn trong nỗ lực ngăn chặn, phòng ngừa và xử lý tội phạm mua bán người. Luật có hiệu lực từ ngày 01/7/2025, thay thế Luật năm 2011 với nhiều điểm mới toàn diện và thực tiễn hơn.
Bảo vệ nạn nhân sớm hơn, toàn diện hơn
Một trong những thay đổi nổi bật là việc mở rộng phạm vi bảo vệ. Không chỉ những người đã được xác định là nạn nhân, mà ngay cả những trường hợp “đang trong quá trình xác định” cũng sẽ được hỗ trợ. Các biện pháp hỗ trợ bao gồm tư vấn pháp lý, trợ giúp chi phí đi lại, cấp lại giấy tờ tùy thân và nhiều hình thức hỗ trợ khẩn cấp khác.
Đặc biệt, trẻ em hoặc người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân cũng sẽ được bảo vệ, giúp giảm thiểu nguy cơ bị tái xâm hại hoặc rơi vào vòng luẩn quẩn của tội phạm mua bán người.
Mở rộng khái niệm và nhận diện thủ đoạn tinh vi
Luật 2024 đã mở rộng định nghĩa về hành vi mua bán người để kịp thời đối phó với những thủ đoạn ngày càng tinh vi. Không chỉ giới hạn ở hành vi lừa gạt hoặc dùng vũ lực, luật còn bao quát các hình thức như môi giới, chứa chấp, cưỡng bức lao động, lợi dụng hôn nhân với người nước ngoài, lấy bộ phận cơ thể…
Đáng chú ý, với người dưới 18 tuổi, mọi hành vi chuyển giao vì mục đích trục lợi đều bị coi là mua bán, kể cả khi không có vũ lực hay lừa đảo. Đây là bước tiến quan trọng trong bảo vệ quyền trẻ em.
Siết chặt phòng ngừa và quản lý lĩnh vực nhạy cảm
Những ngành nghề, dịch vụ có nguy cơ bị tội phạm lợi dụng như môi giới hôn nhân, xuất khẩu lao động, nuôi con nuôi… sẽ được quản lý nghiêm ngặt hơn. Luật yêu cầu các doanh nghiệp, tổ chức phải ký hợp đồng lao động rõ ràng, báo cáo định kỳ và phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng khi phát hiện dấu hiệu bất thường.
Đồng thời, việc kiểm soát xuất nhập cảnh và quản lý biên giới cũng được đẩy mạnh thông qua ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư và công nghệ số để phát hiện sớm các đường dây tội phạm.
Phân định rõ trách nhiệm từng ngành, từng cấp
Luật lần này xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức trong công tác phòng, chống mua bán người:
- Bộ Công an chịu trách nhiệm đầu mối chỉ đạo, tổ chức giải cứu, bảo vệ nạn nhân.
- Bộ Quốc phòng, Biên phòng, Cảnh sát biển tập trung tại các khu vực biên giới, hải đảo.
- Bộ Y tế, Bộ Tư pháp phối hợp hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng.
- UBND các cấp, các tổ chức chính trị – xã hội như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên đóng vai trò tuyên truyền, giám sát và hỗ trợ tái hòa nhập.
Ảnh minh hoa: Cảnh giác trước cạm bẫy của kẻ buôn người. (TTXVN)
Đẩy mạnh tuyên truyền và giáo dục cộng đồng
Không chỉ xử lý tội phạm, Luật 2024 nhấn mạnh công tác tuyên truyền phòng ngừa. Các chương trình truyền thông sẽ được triển khai đồng bộ qua báo chí, mạng xã hội, trường học và cộng đồng dân cư. Nội dung tuyên truyền tập trung vào việc nhận diện thủ đoạn, nâng cao cảnh giác và kỹ năng ứng phó cho người dân.
Tăng cường hợp tác quốc tế
Trong bối cảnh tội phạm mua bán người mang tính xuyên quốc gia, Luật mới tăng cường hợp tác quốc tế với các nước và tổ chức quốc tế. Từ trao đổi thông tin, tương trợ tư pháp đến phối hợp giải cứu, hồi hương nạn nhân, Việt Nam đang chủ động hội nhập sâu rộng trong lĩnh vực bảo vệ quyền con người.
Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số
Một điểm đáng chú ý khác là việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác phòng, chống mua bán người. Hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư, căn cước, kết nối thông tin xuất nhập cảnh sẽ được tích hợp để giám sát và phát hiện sớm các đường dây tội phạm.
Chính sách bảo vệ và khen thưởng người tố giác
Luật cũng quy định cụ thể cơ chế bảo vệ người tố giác, tránh bị trả thù hoặc đe dọa. Đồng thời, những tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực trong phát hiện và ngăn chặn mua bán người sẽ được khen thưởng xứng đáng.
Một bước tiến lớn của Việt Nam
Luật Phòng, chống mua bán người 2024 thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền con người, phòng ngừa tội phạm và bảo đảm an sinh xã hội. Với những đổi mới toàn diện từ nhận diện, phòng ngừa, bảo vệ đến xử lý, Luật số 53/2024/QH15 được kỳ vọng sẽ tạo ra “lá chắn” vững chắc, giảm thiểu nguy cơ và hệ lụy của tội phạm mua bán người trong những năm tới./.
Ng.Hương (tổng hợp)
Lượt bình luận
Trường đánh đấu (*) là bắt buộc.