Tăng cường truyền thông phòng, chống bệnh Dại
Theo Báo cáo từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2025 (đến ngày 05/6), cả nước đã ghi nhận 42 trường hợp nghi dại và tử vong do bệnh Dại tại 19 tỉnh, thành phố, giảm 05 trường hợp so với cùng kỳ năm 2024. Những tỉnh ghi nhận trường hợp tử vong đều có bệnh Dại lưu hành nhiều năm, trong đó Gia Lai là tỉnh có số ca tử vong cao nhất khu vực Tây Nguyên liên tiếp qua các năm. Tỉnh Bình Thuận (nay thuộc Lâm Đồng) là điểm nóng về bệnh Dại mới nổi trong năm 2024, đến tháng 5/2025 đã ghi nhận 05 trường hợp tử vong do bệnh Dại. Các trường hợp tử vong do bệnh Dại chủ yếu là những người bị động vật nghi dại (chó, mèo,...) cắn nhưng chủ quan không đi tiêm phòng vắc xin phòng dại kịp thời.
Để góp phần phòng, chống bệnh Dại, ngày 01/7/2025, Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Trung ương đã ban hành Công văn đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, thành phố, đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống bệnh Dại theo hướng dẫn trong Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Dại, giai đoạn 2022-2030 ban hành kèm theo Quyết định số 2151/QĐ-TTg ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ và các quy định, hướng dẫn liên quan khác về phòng, chống bệnh Dại, trách nhiệm của người nuôi chó, mèo với những nội dung sau:
I. Nội dung truyền thông
1. Chủ động cập nhật thông tin hướng dẫn, quy định chính sách của Chính phủ, ngành Y tế về công tác phòng, chống bệnh Dại. Thông tin về chương trình, địa điểm tiêm vắc xin phòng dại, tình trạng, số lượng vắc xin tại mỗi địa phương, chủ động đưa chó, mèo đi tiêm vắc xin phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại theo khuyến cáo của ngành thú y.
2. Không đùa nghịch chọc phá chó, mèo; tránh tiếp xúc với chó, mèo có biểu hiện bất thường, nhất là với trẻ em. Không thả rông chó, mèo, phải nuôi, nhốt, xích, hoặc giữ trong khuôn viên gia đình, khi đưa chó ra ngoài đường phải đeo rọ mõm, có dây dẫn. Truyền thông rộng rãi trong cộng đồng về Quy định mức xử phạt khi thả rông chó, mèo.
3. Khi bị chó, mèo cắn: Vệ sinh và khử trùng vết thương, rửa vết thương ngay lập tức bằng xà phòng dưới vòi nước chảy trong 15 phút. Không băng kín vết thương và hạn chế làm dập vết thương. Không tự chữa tại nhà, cần đến cơ sở y tế để khám, tiêm vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại kịp thời, đặc biệt tại các địa phương đã có trường hợp tử vong do dại và có tỷ lệ tiêm phòng dại trên đàn chó, mèo thấp.
II. Đối tượng truyền thông
Cộng đồng dân cư, người có yếu tố nguy cơ cao thường xuyên tiếp xúc với động vật, như người nuôi chó, mèo, nhân viên thú y, kiểm lâm, người làm việc trong phòng thí nghiệm có vi-rút dại, giáo viên, học sinh (các cấp) và người sống trong khu vực có tỷ lệ mắc bệnh Dại cao, khu vực có nhiều chó, mèo hoang.
III. Phương pháp, địa điểm truyền thông
1. Sử dụng phương pháp truyền thông phù hợp, theo nhóm nguy cơ, ngôn ngữ truyền tải đa dạng với từng vùng, địa phương. Phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, thành phố, tăng cường công tác truyền thông, tập huấn, đào tạo cho giáo viên, học sinh biện pháp phòng, tránh bệnh Dại.
2. Địa điểm truyền thông, ưu tiên tại các khu đông dân cư, trường học, bệnh viện Nhi, vùng đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo. Truyền thông trên trang thông tin điện tử của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố, cổng thông tin của Sở Y tế, Fanpage, Youtube của đơn vị, cơ quan thông tấn, báo chí, đài phát thanh, truyền hình địa phương, hệ thống truyền thông cơ sở.
3. Phối hợp với các đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh, thành phố, hằng năm phát động chiến dịch truyền thông "Ngày Thế giới phòng, chống bệnh Dại" vào ngày 28/9.
IV. Tài liệu truyền thông
Theo nhu cầu thực tế, các tỉnh, thành phố chủ động đẩy mạnh công tác truyền thông về bệnh Dại phù hợp, sử dụng tài liệu truyền thông sẵn có của địa phương hoặc từ trung ương, ưu tiên những tài liệu truyền thông có thể truyền tải nhanh qua hệ thống truyền thông đa phương tiện, mạng xã hội như video clip, clip phát thanh, truyền hình, tài liệu truyền thông dưới nhiều hình thức đa dạng, phù hợp. Tham khảo thêm thông tin và tài liệu truyền thông trên trang website của Bộ Y tế và Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương theo đường link:
- https://www.google.com/search?q=bệnh+Dại%2C+cục+phòng+bệnh%2C+bộ+y+tế&sca_esv=417d38d31a7a82ae&ei=bDhaaO2XI8rk2roPvcr2AI&ved=0ahUKEwjt_dq7qomOAxVKsIYBHb3nCisQ4dUDCBA&uact=5&oq=bệnh+Dại%2C
- http://t5g.org.vn/thong-diep-phong-chong-benh-dai
- http://t5g.org.vn/thong-tin-ve-benh-dai-tren-nguoi
Lượt bình luận
Trường đánh đấu (*) là bắt buộc.