Tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe tại các cơ sở giáo dục
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế trong việc phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo theo Công văn số 4320/BYT-PB ngày 04/07/2025, ngày 08/7, Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương ban hành Công văn số 396/GDSKTƯ đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo, tăng cường công tác truyền thông - giáo dục sức khỏe tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn.
Ảnh minh họa: Hướng dẫn cách rửa tay cho học sinh mẫu giáo tại trường Mầm non Hạnh Phước, phường Rạch Giá, tỉnh An Giang
Công văn cho biết: Hiện nay, thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều kết hợp mưa lũ và ngập lụt là điều kiện thuận lợi để các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm, trung gian truyền bệnh phát triển và gây bệnh cho con người như sốt xuất huyết, tay chân miệng… Để chủ động triển khai công tác công tác phòng, chống dịch bệnh trong mùa hè tại các cơ sở giáo dục và đối với các trẻ ở các cơ sở mầm non, mẫu giáo và học sinh, sinh viên, đề nghị Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo, tăng cường công tác truyền thông - giáo dục sức khỏe tại các cơ sở giáo dục, cụ thể như sau:
- Nội dung truyền thông
- Đẩy mạnh tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh học sinh, giáo viên bằng nhiều hình thức khác nhau về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong mùa hè, đặc biệt chú trọng các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
- Đối với các cơ sở giáo dục, cần tăng cường tuyên truyền về tổ chức, tham gia vệ sinh môi trường, loại bỏ các ổ chứa lăng quăng, bọ gậy theo hướng dẫn của y tế địa phương.
- Đối với các nhà trẻ, trường mẫu giáo đang có trẻ đi học, cần tuyên truyền thực hiện tốt “3 sạch” (ăn uống sạch, ở sạch và bàn tay sạch); truyền thông các thông điệp hướng dẫn thực hiện vệ sinh lớp học, làm sạch bề mặt bàn ghế học tập và đồ chơi hàng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường để phòng, chống bệnh tay chân miệng.
- Tăng cường truyền thông đối với các cơ sở giáo dục để chuẩn bị các điều kiện tốt nhất nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em, học sinh, sinh viên khi bước vào năm học mới 2025-2026 và thực hiện nghiêm các yêu cầu phòng, chống dịch bệnh như: bảo đảm vệ sinh môi trường sạch sẽ, thông thoáng và đủ ánh sáng tại các lớp học.
- Phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo và các cơ sở giáo dục để truyền thông phòng chống dịch bệnh tại nơi có dịch theo quy định.
- Đối tượng truyền thông
- Ưu tiên truyền thông với các cơ sở giáo dục, nhà giáo, nhân viên trường học và cha mẹ học sinh.
- Hình thức truyền thông
- Đẩy mạnh truyền thông qua hệ thống thông tin đại chúng như TV, báo chí, loa truyền thanh. Đặc biệt, ưu tiên truyền thông qua hệ thống loa truyền thanh tại cơ sở và truyền thông qua các mạng xã hội như Zalo, Facebook, YouTube,… để thông tin nhanh chóng đến được nhiều đối tượng.
- Tăng cường và đa dạng hoá các hình thức truyền thông trực tiếp tại trường học.
- Tài liệu truyền thông
- Lựa chọn tài liệu sẵn có của tỉnh và Trung ương, ưu tiên tài liệu dạng đồ hoạ (infographics) sử dụng được qua mạng xã hội để chuyển tải thông tin nhanh và đến nhiều đối tượng. Có thể tự sản xuất tài liệu truyền thông dạng đồ hoạ phù hợp với phong tục tập quán và văn hóa vùng, miền để chủ động sử dụng trong truyền thông.
- Tham khảo một số tài liệu của Trung ương theo đường link sau:
- Phòng chống dịch bệnh mùa hè
- Đẩy mạnh phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, COVID-19 và dịch bệnh theo mùa;
- Tăng cường công tác truyền thông phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và COVID-19 năm 2025
- Khuyến cáo phòng, chống một số bệnh thường gặp trong lụt bão, mưa lũ;
Lượt bình luận
Trường đánh đấu (*) là bắt buộc.