Tăng cường công tác truyền thông phòng, chống ngộ độc do ăn nấm lạ
Ngày 28/4/2025, Sở Y tế ban hành Công văn số 1211/SYT-ATTP V/v Tăng cường công tác truyền thông phòng, chống ngộ độc do ăn nấm lạ gửi: các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố; các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc Sở Y tế. Công văn nêu rõ: Hiện nay thời tiết đang vào mùa mưa, khí hậu nóng ẩm rất thuận lợi cho nhiều loại nấm phát triển. Thực tế, vẫn còn nhiều trường hợp người dân hái và ăn nấm độc, không rõ nguồn gốc, dẫn đến ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ, thậm chí tử vong.
Để đề phòng ngộ độc do ăn nấm, góp phần bảo vệ, nâng cao sức khoẻ Nhân dân, Sở Y tế đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền trong cán bộ, đoàn viên, người lao động và Nhân dân các khuyến cáo như sau:
- Không ăn nấm lạ, không rõ nguồn gốc. Chỉ ăn các loại nấm được biết chắc chắn là nấm ăn an toàn và có nguồn gốc rõ ràng (mua tại siêu thị, cửa hàng uy tín). Không hái hoặc ăn nấm mọc hoang trong rừng, ngoài đồng nếu không có kiến thức nhận diện nấm.
- Không dựa vào kinh nghiệm dân gian, các mẹo như “nấm lành sẽ không làm đen đũa bạc” hay “nấm độc có màu sắc sặc sỡ” hay “nấm có côn trùng ăn là nấm lành”. Đây là những nhận định không chính xác và có thể gây nhầm lẫn. Một số nấm độc trông rất giống nấm thường, thậm chí có mùi thơm và vị ngon. Có loại nấm côn trùng ăn được nhưng người ăn thì bị ngộ độc.
- Kiểm tra kỹ trước khi chế biến. Loại bỏ các nấm có dấu hiệu lạ: dập nát, chảy nước, nấm bị héo, có mùi lạ. Không ăn nấm đã quá già hoặc bị hư hỏng.
- Nấu chín hoàn toàn. Dù là nấm an toàn cũng nên nấu chín kỹ, tránh ăn nấm sống hoặc nấm tái vì dễ gây rối loạn tiêu hóa.
- Không bảo quản nấm quá lâu. Nấm tươi nên được sử dụng trong 1-2 ngày sau khi mua. Nếu dùng nấm khô hoặc nấm đóng gói thì phải kiểm tra hạn sử dụng, điều kiện bảo quản.
- Tuyên truyền, nhắc nhở người thân đặc biệt là người già, trẻ em, người sống gần rừng núi cần được nhắc nhở không tự ý hái nấm ăn.
- Khi có dấu hiệu ngộ độc: Nếu xuất hiện các triệu chứng như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, chóng mặt sau khi ăn nấm, cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt. Đưa cả những người cùng ăn nấm dù chưa có biểu hiện triệu chứng đến cơ sở y tế. Mang mẫu nấm còn lại hoặc thức ăn chế biến từ nấm còn lại tới cơ sở y tế để sơ bộ xác định loài nấm.
* Một số cách phân biệt nấm độc và nấm ăn phổ biến:
Đặc điểm | Nấm ăn | Nấm độc |
Màu sắc | Thường màu trắng, xám, nâu nhạt, vàng nhạt, ít sặc sỡ. | Thường có màu sắc sặc sỡ như đỏ, cam, vàng đậm, trắng tinh hoặc đen tuyền. |
Mũ nấm | Bề mặt trơn, không có đốm hoặc vảy lạ. | Thường có vảy, đốm hoặc mảng màu bất thường trên mũ. |
Phiến nấm | Phiến nấm thường màu trắng, nâu nhạt hoặc hồng. | Phiến nấm có thể màu xanh lục, đen hoặc có ánh kim loại. |
Cuống nấm | Trơn, không có vòng hoặc bao gốc rõ rệt. | Nhiều nấm độc có vòng cuống và bao gốc như túi nhỏ dưới chân. |
Mùi nấm | Mùi thơm nhẹ, dễ chịu. | Mùi hắc, khó chịu hoặc mùi hôi nhẹ như thuốc trừ sâu. |
Một số dấu hiệu nhận diện khác:
- Chảy mủ khi bẻ: Một số nấm độc sẽ chảy mủ trắng đục khi bẻ thân hoặc mũ.
- Nấm đổi màu khi cắt hoặc nấu chín: Một số nấm độc sẽ đổi màu khi bị dập hoặc khi nấu (ví dụ đổi sang màu đen, xanh tím…).
- Nấm mọc ven rừng, ẩm thấp, gốc cây mục: Thường dễ là nấm độc hơn nấm mọc ở vùng đất canh tác.
Tuy nhiên cũng cần lưu ý là trong thực tế, nấm rất dễ nhầm lẫn, nên chỉ dùng những nấm bạn thực sự chắc chắn an toàn./.
Ngân Hương
Lượt bình luận
Trường đánh đấu (*) là bắt buộc.