NÂNG CAO HIỆU QUẢ ĐIỀU TRỊ HIV BẰNG XÉT NGHIỆM TẢI LƯỢNG HIV VÀ TẾ BÀO CD4
Trong bối cảnh HIV/AIDS vẫn là thách thức y tế toàn cầu, việc theo dõi và điều trị hiệu quả đóng vai trò then chốt giúp người nhiễm sống khỏe mạnh, giảm nguy cơ lây truyền. Trong đó, hai xét nghiệm quan trọng là tải lượng virus (TLVR) HIV và tế bào CD4 đã trở thành công cụ không thể thiếu để theo dõi hiệu quả trong suốt quá trình điều trị cho người nhiễm HIV.
Ảnh minh họa: Tải lượng virus là đo nồng độ virus trong máu.
Xét nghiệm TLVR HIV, giúp đánh giá hiệu quả của thuốc kháng virus (ARV). Khi tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện (<200 bản sao/mL), nguy cơ lây truyền gần như bằng không, đồng thời chứng tỏ phác đồ điều trị đang phát huy tác dụng. Ngược lại, nếu TLVR cao, bác sĩ cần điều chỉnh thuốc kịp thời để tránh kháng thuốc. Còn xét nghiệm CD4 phản ánh sức khỏe hệ miễn dịch, nếu số lượng CD4 thấp cho thấy nguy cơ nhiễm trùng cơ hội cao, đòi hỏi can thiệp y tế kịp thời.
Theo Quyết định số 5968/QĐ-BYT và 1112/QĐ-BYT của Bộ Y tế, việc thực hiện định kỳ hai xét nghiệm này là bắt buộc trong theo dõi điều trị HIV. Điều này giúp bệnh nhân được điều trị đúng phác đồ và dự phòng mắc các bệnh cơ hội.
Năm 2025, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang đặt mục tiêu thực hiện 3.750 mẫu TLVR và 1.050 mẫu CD4 cho người nhiễm HIV đang điều trị ARV tại các phòng khám điều trị thuốc ARV. Các mẫu được gửi định kỳ vào thứ Ba hàng tuần từ tháng 4 đến tháng 12, đảm bảo tính liên tục và kịp thời.
Đáng chú ý, kế hoạch này kết hợp nguồn lực từ Bảo hiểm y tế (BHYT) và Dự án hỗ trợ kỹ thuật Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS, giúp mở rộng tiếp cận cho nhóm yếu thế như trẻ em, phạm nhân, người không có BHYT. Trong đó, dự kiến 500 mẫu TLVR và 450 mẫu CD4 được tài trợ toàn bộ, cùng hỗ trợ chi phí vận chuyển mẫu đến phòng xét nghiệm tại Cần Thơ.
Xét nghiệm TLVR và CD4 không chỉ là công cụ chẩn đoán mà còn là “la bàn” dẫn đường cho điều trị HIV. Ngành Y tế Kiên Giang chung tay cùng hệ thống y tế, cộng đồng và các tổ chức quốc tế, hướng tới Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Khoa Phòng chống HIV/AIDS - TTKSBT tỉnh Kiên Giang
Lượt bình luận
Trường đánh đấu (*) là bắt buộc.